Thường phục truyền thống của người Việt đối với đàn ông là quần trắng, áo nâu, đầu vấn khăn, chân đi guốc hoặc dép. Bộ lễ phục thêm áo dài đen bằng vải hoặc the, đầu đội khăn xếp. Đối với phụ nữ, trang phục cầu kỳ và rực rỡ hơn: váy đen, yếm trắng, áo tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ, thắt lưng hoa lý. Bộ lễ phục gồm ba chiếc áo, ngoài cùng là chiếc áo tứ thân bằng the thâm hay màu nâu non, kế đến là chiếc áo màu mỡ gà và trong cùng là chiếc áo màu cánh sen. Khi mặc, cả ba chiếc áo chỉ cài khuy bên sườn, phần từ ngực đến cổ lật chéo để lộ ba màu áo. Trong cùng là chiếc yếm thắm. Đầu đội nón trông rất duyên dáng và kín đáo. Cách ăn mặc truyền thống này đã mang đến cho người phụ nữ Việt một vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng, thướt tha.
Ngày nay, trang phục của người Việt đã thay đổi. Bộ âu phục thay thế cho bộ đồ truyền thống của đàn ông. Chiếc áo dài khởi phát từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát ngày càng được cải tiến và hoàn thiện hơn, được phụ nữ Việt Nam ưa thích mặc vào các dịp lễ hội quan trọng trong năm. Chiếc áo dài hiện tại có thân tương đối bó sát thân người, hai tà áo thả xuống tới mắt cá chân, làm hiện rõ những đường cong mềm mại nhưng kín đáo, phù hợp với vóc dáng nhỏ nhắn của người phụ nữ Việt Nam.
Hiện nay, việc giao lưu giữa các nền văn hóa trên thế giới ngày càng mở rộng, trang phục của người Việt Nam ngày càng phong phú và mang tính hòa nhập và thời trang hơn, nhất là trong giới trẻ ở thành phố.
Trong nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam, có nhiều thể loại như chèo, tuồng, cải lương, rối nước, ca múa nhạc cung đình, hát quan họ, chầu văn, ca trù, hát then, lý Nam Bộ… nhưng phổ biến nhất và thường được biểu diễn nhiều nhất là chèo, tuồng, cải lương, hát quan họ, rối nước, lý Nam Bộ và nhã nhạc (một hình thức của ca múa nhạc cung đình). Dưới đây là sơ lược một vài loại hình trong nghệ thuật biểu diễn.
Ca múa nhạc cung đình phát triển mạnh vào triều đại vua Lê Thái Tông với nhiều loại hình ca múa nhạc phong phú như Trung cung chỉ nhạc, Yến nhạc, Nhã nhạc, Đại nhạc, Văn vũ, Võ vũ… Dưới triều nhà Nguyễn, ca múa nhạc cung đình phát triển rực rỡ với những điệu múa Bát dật biểu diễn trong các lễ tế trời của các vị vua Triều Nguyễn tại Đàn Nam Giao, Múa quạt, Tam tinh Chúc thọ, Bát tiên hiến, Lục triệt hoa mã đăng, Lục cúng hoa đăng trong các nghi lễ của triều đình phong kiến. Nhiều điệu múa, bản nhạc cung đình còn được lưu giữ và phát triển cho đến ngày nay. Tháng 11/2003, nhã nhạc cung đình Huế (nhạc cung đình Việt Nam) đã được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Nổi bật trong số các nghề truyền thống là: Nghề gốm với nhiều loại sản phẩm khác nhau phục vụ nhu cầu dân dụng và công nghiệp. Ở Việt Nam có nhiều nơi làm nghề gốm như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Đồng Tháp và Bát Tràng của Hà Nội, gốm Chăm. Nghề dệt lụa: xuất hiện từ rất sớm trên khắp đất nước Việt Nam, nhưng nổi tiếng và còn bảo tồn và phát triển tới ngày hôm nay có Vạn Phúc (Hà Đông), Phương Tành - Trực Ninh (Nam Định). Từ thế kỷ XV, lụa Việt Nam đã theo chân các thương gia và được nhiều nơi trên thế giới biết đến.